Thẻ tín dụng có thể giúp bạn chi tiêu linh hoạt mà không tốn một đồng lãi nếu bạn luôn trả nợ đầy đủ và đúng hạn. Nhưng chỉ với một sai sót nhỏ như việc trả thiếu vài trăm nghìn đồng hoặc trả trễ dù chỉ 1 ngày, bạn có thể phải trả lãi với mức lãi suất rất cao. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ cách tính lãi suất của thẻ tín dụng và giúp bạn tránh bị "dính lãi oan" không đáng có.
1. Khi nào bạn bị tính lãi?
Bạn chỉ bị tính lãi khi:
-
Không trả đủ 100% dư nợ trước hoặc đúng ngày đến hạn thanh toán
-
Hoặc bạn rút tiền mặt từ thẻ tín dụng (lãi được tính ngay từ ngày rút)
Nếu bạn trả nợ đầy đủ và đúng hạn → bạn sẽ không bị tính lãi cho các giao dịch chi tiêu bằng thẻ.
2. Lãi được tính từ ngày nào?
Nếu bạn không trả đủ dư nợ đúng hạn: Toàn bộ số dư chi tiêu trong kỳ (bao gồm cả phần bạn đã trả và phần chưa trả) sẽ bị tính lãi từ ngày phát sinh giao dịch
Ví dụ minh họa:
-
01/6: bạn mua hàng 5 triệu đồng bằng thẻ tín dụng
-
25/6 (ngày sao kê kỳ tháng 6): ngân hàng sao kê số dư nợ là 5 triệu đồng
-
20/7 - ngày đến hạn thanh toán (giả sử 25 ngày sau ngày sao kê): bạn chỉ trả 4,95 triệu đồng (thiếu 50.000 đồng)
Kết quả:
Bạn bị tính lãi trên toàn bộ số dư nợ 5 triệu đồng (không phải 50.000 đồng trả thiếu) và bị tính từ ngày 01/6, cụ thể như sau:
- Lãi được tính trên toàn bộ số dư 5 triệu đồng từ 01/6 đến hết ngày 20/7 (ngày ngân hàng ghi nhận khoản thanh toán 4,95 triệu).
- Từ 21/7, lãi chỉ còn tính trên 50 000 đồng cho tới khi bạn thanh toán hết khoản này.
Lưu ý: Phần tiền bạn đã trả sẽ được ngừng tính lãi kể từ ngày ngân hàng ghi nhận khoản thanh toán - không phải ngừng từ ngày sao kê như nhiều người thường lầm tưởng.
3. Vì sao lãi suất thẻ tín dụng rất cao nếu bạn dùng sai cách
Lãi suất thẻ tín dụng tại các ngân hàng thường dao động ở mức 1,6-3,3%/tháng (tương đương ~20-40%/năm), cao hơn nhiều so với vay tiêu dùng thông thường.
Điểm cần lưu ý là nếu bạn không trả đủ nợ hoặc trả trễ, thì:
-
Lãi được tính hàng ngày trên tổng dư nợ
-
Lãi bắt đầu từ ngày giao dịch
-
Bạn còn có thể bị tính thêm phí phạt chậm thanh toán và lãi suất quá hạn
Tất cả các khoản này khiến tổng chi phí phải trả tăng rất nhanh - chỉ một sai sót nhỏ cũng khiến bạn phải trả hàng trăm nghìn đồng tiền lãi và phí chỉ sau vài tuần.
4. Rút tiền mặt = tính lãi ngay lập tức khi rút
Khi bạn dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt tại ATM:
-
Lãi được tính từ ngày rút, không có thời gian miễn lãi
-
Đồng thời, bạn phải chịu thêm phí rút tiền mặt - thông thường ở mức 4% số tiền rút
5. Cách tránh phát sinh lãi thẻ tín dụng
-
Luôn trả đủ 100% tổng dư nợ trước hoặc đúng hạn
-
Nên trả sớm trước 2-3 ngày để tránh lỗi hệ thống
-
Cài đặt lịch nhắc thanh toán trong điện thoại hoặc bật thông báo trong ứng dụng ngân hàng
-
Tránh thanh toán tối thiểu mỗi tháng - vì bạn sẽ vẫn bị tính lãi trên toàn bộ phần chưa trả.
Xem thêm bài viết: Thanh toán tối thiểu - tưởng an toàn, hóa ra nuôi nợ mỗi tháng -
Không rút tiền mặt nếu không thật sự cần thiết.
Nếu hiểu đúng cách sử dụng, thẻ tín dụng có thể trở thành một công cụ tài chính linh hoạt và tiết kiệm. Chỉ khi bạn trả thiếu, trả trễ, rút tiền mặt, hoặc thanh toán tối thiểu, ngân hàng mới bắt đầu tính lãi và mức lãi này thường khá cao. Ngược lại, nếu bạn luôn trả đủ và đúng hạn, bạn có thể tận dụng được tối đa thời gian miễn lãi và không phải trả bất kỳ khoản lãi nào.
Xem thêm: Bảo vệ thẻ tín dụng - 10 bước thực tế giúp tránh gian lận và mất tiền oan