Trang chủ/Cẩm nang thẻ/Bảo mật thẻ tín dụng - 10 bước thực tế giúp bạn tránh gian lận và dùng thẻ an toàn
Bảo mật thẻ tín dụng - 10 bước thực tế giúp bạn tránh gian lận và dùng thẻ an toàn

Bảo mật thẻ tín dụng - 10 bước thực tế giúp bạn tránh gian lận và dùng thẻ an toàn

⏱️ 4 phút đọc

Cập nhật gần nhất: 26/05/2025

Giao dịch thẻ ngày càng phổ biến, nhưng đi cùng đó là các chiêu trò gian lận ngày càng tinh vi. Chỉ cần một sơ suất nhỏ, tiền trong tài khoản của bạn có thể "bốc hơi" trong vài giây. Bài viết này sẽ giúp bạn nhận diện các rủi ro và chủ động bảo vệ thẻ tín dụng một cách hiệu quả.

1. Các kiểu gian lận phổ biến

  • Skimming tại ATM / máy POS
    Kẻ gian gắn thiết bị sao chép thông tin thẻ và lắp camera ẩn để ghi lại mã PIN
    → Dấu hiệu cảnh báo: khe thẻ lỏng lẻo, bàn phím nhô cao, nắp che PIN bất thường

  • Giả mạo ngân hàng qua SMS / Email
    Gửi tin nhắn hoặc email yêu cầu cập nhật thông tin, đăng nhập, cung cấp mã xác thực
    → Dấu hiệu: đường link lạ (đuôi .xyz, .top), nội dung gấp gáp, lỗi chính tả

  • Giả danh tổng đài ngân hàng
    Gọi điện xưng là nhân viên ngân hàng và yêu cầu cung cấp mã xác thực
    → Lưu ý: ngân hàng không bao giờ hỏi mã xác thực qua điện thoại

  • Trang web thanh toán giả mạo
    Tạo giao diện giống trang thanh toán thật, đánh cắp số thẻ và mã CVV
    → Dấu hiệu: địa chỉ trang web không có chữ "https", logo mờ, nội dung sai chính tả

  • Rò rỉ dữ liệu từ bên thứ ba
    Hacker tấn công hệ thống của các đơn vị bán hàng và rao bán thông tin thẻ trên chợ đen
    → Dấu hiệu: phát sinh giao dịch thẻ bất thường dù bạn không dùng thẻ

2. Tính năng bảo mật phổ biến của thẻ tín dụng

  • Xác thực OTP - ngân hàng yêu cầu mã xác thực OTP khi thanh toán online

  • Smart OTP - phương thức tạo mã xác thực OTP ngay trong ứng dụng ngân hàng, có tính bảo mật cao hơn phương thức SMS OTP

  • Khoá / mở thẻ ngay trên ứng dụng ngân hàng - bạn có thể khóa thẻ tạm thời khi không dùng thẻ

  • Giới hạn số tiền chi tiêu tối đa cho mỗi giao dịch / mỗi ngày - giúp chủ động kiểm soát rủi ro

  • Thông báo giao dịch thẻ theo thời gian thực - giúp phát hiện sớm các giao dịch bất thường

  • Công nghệ chip EMV và thanh toán chạm (contactless) - giúp tăng mức độ bảo mật khi thanh toán

Bạn nên cài đặt và kích hoạt đầy đủ các tính năng bảo mật của thẻ tín dụng trong ứng dụng ngân hàng của bạn.

3. 10 thói quen giúp bạn sử dụng thẻ tín dụng an toàn hơn

  • Tuyệt đối không chia sẻ hình ảnh mặt trước hoặc mặt sau của thẻ tín dụng trên bất kỳ nền tảng nào (Facebook, Zalo, email,...)

  • Che mã CVV trên thẻ tín dụng sau khi bạn đã ghi nhớ hoặc lưu lại ở nơi an toàn

  • Kích hoạt Smart OTP, không nên dùng phương thức SMS OTP vì tính bảo mật không cao bằng Smart OTP

  • Đặt hạn mức chi tiêu thấp, chỉ nâng tạm thời khi cần

  • Tắt tính năng giao dịch nước ngoài nếu không có nhu cầu sử dụng

  • Kiểm tra lịch sử giao dịch thẻ hàng ngày, báo ngay khi thấy các giao dịch bất thường

  • Chỉ thanh toán trên các trang web uy tín (địa chỉ trang web có chữ "https", tên miền đúng chính tả,...)

  • Không nên sử dụng mạng Wi-Fi công cộng khi thực hiện các giao dịch tài chính

  • Luôn cài đặt các ứng dụng chính thức từ App Store hoặc Google Play

  • Khoá thẻ ngay lập tức khi mất điện thoại hoặc trường hợp nghi bị lộ thông tin thẻ, mã xác thực

4. Quy trình xử lý khi phát hiện giao dịch thẻ bất thường

  • Khoá thẻ ngay trên ứng dụng ngân hàng hoặc gọi tổng đài

  • Liên hệ ngân hàng để báo cáo sự cố, cung cấp chi tiết giao dịch nghi ngờ.

  • Tra soát giao dịch (kèm các bằng chứng liên quan) và theo dõi kết quả tra soát, hoàn tiền từ ngân hàng

Lưu ý: Bạn thông báo càng sớm (trong vòng 48 giờ), khả năng hoàn tiền của bạn sẽ càng cao.

5. Các lưu ý nhanh trước khi nhập thông tin thẻ và thanh toán online

  • Kiểm tra địa chỉ trang web có chữ “https” và tên miền đúng chính tả (ví dụ: shopee.vn - tránh các dạng như sh0pee, shopee-vn)

  • Chỉ cài đặt các ứng dụng từ nguồn chính thức (App Store hoặc Google Play)

  • Ưu tiên sử dụng mạng 4G/5G hoặc Wi-Fi cá nhân thay vì Wi-Fi công cộng khi thực hiện thanh toán

  • Bật thông báo giao dịch thẻ trong ứng dụng ngân hàng để kiểm soát mọi biến động của thẻ

Thẻ tín dụng sẽ thực sự tiện lợi và an toàn nếu bạn biết cách chủ động kiểm soát các rủi ro có thể xảy ra. Hãy biến việc bảo mật thẻ thành một thói quen, không chủ quan với gian lận, và phản ứng kịp thời khi thấy các dấu hiệu bất thường.

Xem thêm: Mã MCC là gì? Hiểu để tránh mất ưu đãi hoàn tiền, hoặc bị từ chối giao dịch

Contact us on Zalo