Nhiều người nghĩ rằng chỉ cần trả đúng số tiền tối thiểu mỗi tháng là đã “ổn”. Nhưng chính lựa chọn này lại là cách nhanh nhất để bạn rơi vào vòng xoáy nợ tín dụng. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ "thanh toán tối thiểu" thực sự là gì và những rủi ro đằng sau phương thức thanh toán này.
1. Thanh toán tối thiểu thực chất là gì?
Thanh toán tối thiểu là khoản tiền ít nhất mà bạn phải trả mỗi kỳ sao kê để ngân hàng không coi bạn là trả chậm. Con số này thường rơi vào khoảng 2-5% tổng dư nợ, tùy theo chính sách của từng ngân hàng.
Ví dụ:
Nếu dư nợ tháng này của bạn là 10 triệu đồng, khi thanh toán tối thiểu, ngân hàng sẽ yêu cầu bạn trả tối thiểu khoảng 500 nghìn đồng. Khi bạn trả đúng số này, ngân hàng sẽ không tính phí phạt chậm thanh toán, nhưng số nợ còn lại vẫn phát sinh lãi mỗi ngày.
2. Sự hiểu lầm nguy hiểm: "Thanh toán tối thiểu là đủ rồi"
Đây là tư duy sai lầm mà rất nhiều người mắc phải:
-
Hiểu lầm: Trả đúng số tối thiểu nghĩa là không bị tính lãi
-
Thực tế: Bạn chỉ tránh được phí phạt chậm thanh toán, còn lãi suất vẫn áp dụng cho toàn bộ số tiền chưa thanh toán
Thông thường, phí phạt chậm thanh toán ở mức 4-5% số tiền chậm thanh toán, với mức tối thiểu cụ thể tùy quy định từng ngân hàng
Ngân hàng sẽ tính lãi từng ngày trên khoản nợ còn lại. Và nếu bạn tiếp tục chỉ trả tối thiểu trong nhiều tháng liên tiếp, số lãi này sẽ càng "phình to".
3. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn chỉ trả tối thiểu hàng tháng?
Khi bạn liên tục chỉ trả số tiền tối thiểu:
-
Phần nợ còn lại bị tính lãi mỗi ngày
-
Thời gian thanh toán kéo dài dù bạn không chi tiêu thêm
-
Hiệu ứng "lãi chồng lãi" khiến tổng số tiền phải trả tăng chóng mặt
-
Việc luôn trả tối thiểu không làm CIC ghi nhận nợ xấu, nhưng ngân hàng có thể coi đây là dấu hiệu rủi ro cao, ảnh hưởng tới hạn mức và lãi suất khi bạn xin khoản vay khác
Đây chính là "bẫy nợ" mà nhiều người chỉ nhận ra khi đã quá muộn.
4. Ví dụ minh họa
Giả sử bạn chủ động chọn thanh toán tối thiểu mỗi tháng cho khoản chi tiêu 10 triệu đồng bằng thẻ tín dụng. Bạn thanh toán 500.000 đồng mỗi kỳ (5% dư nợ). Giả sử với lãi suất thẻ tín dụng 3%/tháng, mỗi tháng bạn phát sinh 300.000 đồng tiền lãi. Tức với 500.000 đồng bạn thanh toán mỗi tháng, bạn chỉ còn 200.000 đồng là thực sự giảm nợ gốc.
Sau 1 năm, dù đã thanh toán 6 triệu đồng nhưng bạn vẫn còn nợ hơn 7 triệu. Việc chỉ trả tối thiểu mỗi tháng khiến dư nợ giảm rất chậm - phần lớn số tiền bạn trả chỉ để trả lãi, không phải nợ gốc.
5. Khi nào việc thanh toán tối thiểu có thể chấp nhận được?
Mặc dù không phải là một lựa chọn lý tưởng, thanh toán tối thiểu được xem là giải pháp tạm thời trong trường hợp bạn đang gặp khó khăn tài chính đột xuất, không đủ khả năng trả hết nợ trong tháng và cần duy trì lịch sử tín dụng tốt, tránh bị ghi nợ xấu.
Tuy nhiên, thanh toán tối thiểu chỉ phù hợp trong ngắn hạn và không nên là lựa chọn thanh toán thường xuyên.
6. Cách thoát khỏi vòng xoáy "trả tối thiểu mãi mãi"
Nếu bạn đang rơi vào tình trạng này, hãy bắt đầu bằng những bước sau:
-
Ưu tiên trả đủ 100% dư nợ mỗi kỳ, đặc biệt khi chi tiêu chưa quá cao
-
Nếu chưa đủ khả năng: hãy trả nhiều hơn mức tối thiểu càng nhiều càng tốt - dù chỉ thêm vài trăm nghìn
-
Nếu bạn đang có dư nợ lớn, hãy liên hệ ngân hàng để xin phương án trả góp có lãi suất thấp hơn hoặc chuyển sang khoản vay tiêu dùng cố định để khoanh vùng lãi và tránh bị cộng dồn mỗi tháng
Thanh toán tối thiểu không sai, nhưng nếu bạn coi đây là một cách sử dụng thẻ "bình thường", bạn sẽ phải sớm đối mặt với các rủi ro tài chính. Hãy luôn ưu tiên trả đủ, đúng hạn để tận dụng mọi lợi ích của thẻ tín dụng mà không sa vào các bẫy nợ âm thầm.
Xem thêm: Các thuật ngữ quan trọng trong thế giới thẻ tín dụng