Khi bạn mới bắt đầu tìm hiểu hoặc sử dụng thẻ tín dụng, chắc chắn bạn sẽ gặp nhiều cụm từ khó hiểu như “chu kỳ sao kê”, “hạn mức tín dụng”, hay “thanh toán tối thiểu”. Bài viết này sẽ giúp bạn làm quen với các thuật ngữ quan trọng đó - để bạn có thể dùng thẻ tín dụng một cách tự tin nhất.
1. Thuật ngữ cơ bản
-
Thẻ tín dụng (Credit Card): Một loại thẻ cho phép bạn chi tiêu trước, thanh toán sau trong hạn mức mà ngân hàng cấp.
Ví dụ: bạn có thẻ hạn mức 20 triệu, bạn mua điện thoại 15 triệu, bạn sẽ còn lại 5 triệu để chi tiêu tháng đó. -
Chu kỳ sao kê (Billing Cycle): Khoảng thời gian ngân hàng ghi nhận và tổng hợp giao dịch để tính dư nợ, kéo dài một tháng (28-31 ngày tùy tháng).
-
Ngày đến hạn thanh toán (Due Date): Ngày cuối cùng bạn cần thanh toán để tránh bị tính lãi/phạt, thông thường sẽ sau 15-25 ngày kể từ ngày sao kê.
2. Lãi suất và trả nợ
-
Thời gian miễn lãi (Grace Period): Khoảng thời gian từ lúc chi tiêu (sử dụng thẻ) đến ngày đến hạn thanh toán mà bạn không bị tính lãi nếu trả đúng hạn (tối đa 45-55 ngày tùy từng loại thẻ)
Ví dụ: bạn mua hàng Shopee vào 1/6, sao kê 25/6, thì có thể tới 10/7 mới cần trả tiền mà vẫn không bị tính lãi. -
Lãi suất (Interest Rate):
Mức % ngân hàng tính trên phần dư nợ chưa thanh toán đúng hạn, thông thường ở mức 1,6-3,3%/tháng (~20-40%/năm). -
Dư nợ (Outstanding Balance): Tổng số tiền bạn đang nợ ngân hàng (bao gồm cả giao dịch và phí nếu có).
-
Thanh toán tối thiểu (Minimum Payment): Khoản tiền ít nhất bạn phải trả để tránh bị phạt trễ hạn (thông thường ở mức 2-5% tổng dư nợ).
Hiểu lầm bạn hay mắc phải: “Trả tối thiểu là đủ rồi, không bị tính lãi.” → Thực tế: bạn chỉ tránh được phí trễ hạn, còn lãi thì vẫn tính từng ngày.
3. Phí và các chi phí liên quan
-
Phí thường niên (Annual Fee): Khoản phí hàng năm để duy trì thẻ. Một số thẻ được miễn phí năm đầu, hoặc được miễn nếu chi tiêu đạt mức nhất định.
-
Phí phạt chậm thanh toán (Late Payment Fee): Áp dụng nếu bạn không thanh toán nợ đúng hạn (thông thường ở mức 4-5% số tiền chậm thanh toán, với mức tối thiểu cụ thể tùy quy định từng ngân hàng).
Lỡ trễ hạn? Ngân hàng có thể phạt bạn ít nhất 200.000 đồng/lần - dù chỉ chậm 1 ngày. -
Phí rút tiền mặt (Cash Advance Fee): Phí khi dùng thẻ tín dụng để rút tiền mặt (thông thường ở mức 4% số tiền rút, với mức tối thiểu cụ thể tùy quy định từng ngân hàng).
Lưu ý: ngoài phí rút tiền mặt, lãi được tính ngay từ ngày rút, không có thời gian miễn lãi. -
Phí quản lý giao dịch ngoại tệ (Foreign Transaction Fee): Được tính khi bạn dùng thẻ chi tiêu ở nước ngoài hoặc thanh toán bằng ngoại tệ (thông thường ở mức 2-4% giá trị giao dịch).
4. Quản lý tín dụng
-
CIC (Trung tâm Thông tin Tín dụng): Cơ quan quản lý lịch sử tín dụng cá nhân. Dữ liệu trả nợ thẻ của bạn sẽ được ghi nhận tại đây.
-
Điểm tín dụng (Credit Score): Số điểm thể hiện mức độ uy tín tài chính. Trả nợ đúng hạn giúp bạn tăng điểm, dễ được duyệt hồ sơ vay, mở thẻ mới.
-
Tỷ lệ sử dụng hạn mức (Credit Utilization Ratio): Tỷ lệ giữa số tiền bạn đã chi tiêu bằng thẻ và tổng hạn mức được cấp.
Ví dụ: bạn có thẻ hạn mức 20 triệu, nếu chi tiêu 6 triệu thì tỷ lệ sử dụng là 30%. -
Thẻ phụ (Supplementary Card): Thẻ dành cho người thân sử dụng chung hạn mức của thẻ chính; chủ thẻ chính vẫn chịu trách nhiệm thanh toán cho các giao dịch của thẻ phụ.
5. Bảo mật
-
CVV / CVC: 3 số bảo mật sau thẻ, giúp xác minh chủ thẻ hợp pháp khi thực hiện giao dịch trực tuyến. Nếu để lộ thông tin này, bạn sẽ dễ bị gian lận các giao dịch thẻ online.
-
SMS OTP: Mã xác thực gửi qua tin nhắn điện thoại. Khi bạn thực hiện giao dịch online, ngân hàng sẽ gửi một mã OTP về số điện thoại đã đăng ký. Nhập đúng mã này mới hoàn tất giao dịch.
Nhược điểm: dễ bị trễ hoặc không nhận được khi sóng yếu, đặc biệt ở khu vực tầng hầm, thang máy hoặc khi roaming quốc tế. -
Smart OTP: Dạng mã OTP nâng cao, sinh từ ứng dụng ngân hàng cài trong điện thoại, không phụ thuộc sóng di động. Ưu điểm: ít bị chậm hoặc mất mã như SMS OTP, tính bảo mật cao hơn. Đây hiện là phương thức xác thực được các ngân hàng ưu tiên khuyên dùng. Nếu bạn vẫn đang dùng SMS OTP, bạn nên đổi sang Smart OTP để nâng cao tính bảo mật của thẻ.
6. Các khái niệm khác
-
Mã danh mục chi tiêu - MCC (Merchant Category Code): MCC là mã 4 chữ số dùng để phân loại loại hình kinh doanh của nơi bạn quẹt thẻ. Mỗi giao dịch chỉ gắn với một mã MCC duy nhất. Nắm được mã MCC giúp bạn biết trước giao dịch có nằm trong danh mục hoàn tiền hay không theo chính sách ưu đãi của từng loại thẻ.
-
Giao dịch treo (Authorization Hold): Đây là khoản tiền tạm thời bị “giữ” trong hạn mức thẻ khi bạn thực hiện một số giao dịch như đặt phòng khách sạn, hoặc đặt xe công nghệ. Mặc dù số tiền chưa bị trừ thực tế, nhưng bạn vẫn bị trừ vào hạn mức thẻ của bạn.
Ví dụ: Khi bạn đặt phòng khách sạn, ngân hàng có thể tạm giữ một khoản tiền trong thẻ của bạn. Nếu giao dịch không diễn ra (ví dụ bạn hủy), khoản tạm giữ sẽ được hoàn lại. Nếu giao dịch thành công (bạn đã sử dụng phòng khách sạn), số tiền tạm giữ đó sẽ bị trừ chính thức. -
Tra soát (Dispute): Yêu cầu hoàn tiền nếu giao dịch lỗi, hoặc gặp tình huống gian lận thẻ.
Bạn không cần phải nhớ tất cả các thuật ngữ. Bạn chỉ cần đánh dấu lại bài viết này, mỗi khi gặp cụm từ lạ trong app ngân hàng hoặc khi mở thẻ mới, hãy quay lại đây đọc bạn nhé.
Xem thêm: 5 nguyên tắc sống còn để dùng thẻ tín dụng đúng cách và không bị mất kiểm soát