Bạn mới mở thẻ tín dụng và không biết dùng thẻ sao cho đúng? Đừng lo. Chỉ cần nắm rõ 5 nguyên tắc dưới đây, bạn sẽ sử dụng thẻ một cách chủ động, hiệu quả mà không sợ rơi vào "bẫy nợ" như nhiều người khác.
1. Không rút tiền mặt trừ khi thật sự khẩn cấp
Thẻ tín dụng có thể dùng để rút tiền mặt tại ATM, nhưng phí rút tiền mặt của thẻ tín dụng rất cao và lãi bị tính ngay từ ngày rút, bạn sẽ không có thời gian miễn lãi như các giao dịch chi tiêu qua thẻ tín dụng.
Ví dụ: bạn rút 3 triệu tiền mặt vào ngày 1/6, thì từ ngày này ngân hàng đã bắt đầu tính lãi (lãi suất thường rơi vào khoảng 2-4%/tháng, tương đương 24-48%/năm tùy ngân hàng), chưa kể phí rút mặt có thể lên đến 4% số tiền rút.
Bạn chỉ nên rút tiền mặt thẻ tín dụng khi thật sự không còn lựa chọn nào khác (các tình huống khẩn cấp, cần tiền mặt gấp). Nếu cần dự phòng tài chính, bạn hãy chọn loại thẻ tín dụng hỗ trợ rút tiền mặt không tốn phí.
2. Chi tiêu trong khả năng - trả đủ 100% dư nợ
Mỗi kỳ sao kê, bạn nên trả toàn bộ số dư nợ để được miễn lãi toàn bộ giao dịch. Việc trả không đủ số nợ sẽ khiến phần còn lại bị tính lãi từ ngày giao dịch (không phải từ ngày sao kê)
Nguyên tắc an toàn: chỉ nên sử dụng tối đa 30-50% hạn mức được cấp. Không nên dùng hết hạn mức dù ngân hàng cho phép, vì điều này có thể ảnh hưởng đến điểm tín dụng và tạo cảm giác “có sẵn tiền” dẫn đến chi tiêu vượt kiểm soát.
Đừng hiểu sai rằng thẻ tín dụng là để "xài trước rồi tính sau" một cách vô điều kiện. Ưu điểm chi tiêu trước - thanh toán sau của thẻ tín dụng chỉ thực sự có lợi nếu bạn kiểm soát tốt hạn mức và trả nợ đúng hạn. Nếu không, chính điều này sẽ khiến bạn phát sinh lãi suất cao và nợ thẻ kéo dài.
3. Theo dõi kỹ ngày sao kê và hạn thanh toán
Phần lớn người dùng thẻ bị tính lãi chỉ vì quên hạn thanh toán. Bạn hãy cài đặt lịch nhắc trả nợ trong điện thoại hoặc bật thông báo trong ứng dụng ngân hàng.
Ví dụ: nếu ngày sao kê là 25/6 và hạn thanh toán là 10/7, bạn hãy đảm bảo thanh toán đầy đủ trước 10/7 để không bị tính lãi.
Bạn nên thanh toán sớm, trước hạn thanh toán ít nhất 2-3 ngày để đề phòng lỗi hệ thống, chuyển khoản chậm hoặc giao dịch không được ghi nhận kịp thời. Dù bạn thanh toán đúng hạn nhưng nếu hệ thống ngân hàng xử lý trễ, giao dịch vẫn có thể bị tính là trễ hạn và phát sinh lãi. Đây là lý do vì sao nhiều người dùng thẻ có kinh nghiệm luôn thanh toán sớm trước hạn như một biện pháp đảm bảo an toàn.
4. Kiểm tra sao kê ngay khi nhận được
Người sử dụng thẻ thường bỏ qua bước này, nhưng việc kiểm tra sao kê mỗi kỳ giúp bạn phát hiện sớm các giao dịch, các khoản phí bất thường, hoặc số tiền hoàn bị thiếu.
Bạn có thể gửi yêu cầu tra soát nếu phát hiện sai sót và việc xử lý sẽ dễ dàng hơn nếu bạn phát hiện sớm.
Bạn chỉ cần dành 5-10 phút mỗi tháng để lướt qua sao kê, kiểm tra các giao dịch đã phát sinh. Việc đơn giản này có thể giúp bạn phát hiện sớm các sai sót và từ đó tránh được nhiều rủi ro không đáng có.
5. Tận dụng ưu đãi - nhưng đừng chi tiêu vượt nhu cầu
Nhiều thẻ tín dụng có chương trình tích điểm, hoàn tiền hoặc ưu đãi giảm giá rất hấp dẫn. Tuy nhiên, bạn không nên để ưu đãi trở thành lý do khiến bạn phát sinh các giao dịch chi tiêu không cần thiết. Hãy luôn bắt đầu từ nhu cầu thực tế của bản thân, không phải chỉ vì thấy "có khuyến mãi thì xài".
Đừng quẹt thẻ chỉ vì được hoàn 50.000 đồng nếu bạn không thực sự có nhu cầu và không đủ khả năng trả nợ đúng hạn, khoản lãi sau đó có thể cao hơn nhiều lần so với phần tiền được hoàn.
Ưu đãi chỉ thực sự có lợi khi bạn chi tiêu dựa trên nhu cầu thực tế và có khả năng trả nợ đúng hạn. Đừng để vì thấy hoàn tiền 5% mà bạn sẵn sàng mua sắm nhiều hơn 50% so với bình thường - lợi nhỏ nhưng rủi ro tài chính có thể rất lớn.
Bạn không cần là một chuyên gia tài chính để có thể sử dụng thẻ tín dụng đúng cách và hiệu quả. Chỉ cần áp dụng đúng 5 nguyên tắc trên, bạn sẽ chủ động kiểm soát chi tiêu, tận dụng được các lợi ích của thẻ như miễn lãi, tích điểm, hoàn tiền mà không bị cuốn vào vòng xoáy lãi suất hay chi tiêu mất kiểm soát.
Xem thêm: Hiểu rõ cách tính lãi suất thẻ tín dụng để tránh mất tiền oan