Bạn từng mua sắm ở siêu thị nhưng không được hoàn tiền? Hoặc bạn bị từ chối giao dịch dù thẻ vẫn còn hạn mức? Lý do rất có thể đến từ mã danh mục chi tiêu MCC - một yếu tố ít người để ý đến nhưng ảnh hưởng lớn đến cách hoạt động của thẻ tín dụng.
1. Mã MCC là gì?
Mã danh mục chi tiêu MCC (Merchant Category Code) là mã số gồm 4 chữ số dùng để phân loại lĩnh vực kinh doanh của người bán, được xác định tùy thuộc vào mã do bên bán hàng thiết lập với Ngân hàng thanh toán theo quy định của các Tổ chức thẻ quốc tế. Khi bạn quẹt thẻ, hệ thống sẽ tự động gắn mã MCC tương ứng với nơi chấp nhận thanh toán đó.
Ví dụ:
-
Siêu thị có mã MCC 5411
-
Nhà hàng có mã MCC 5812
Mã MCC sẽ được ngân hàng dùng để quyết định:
-
Giao dịch đó có được tích điểm / hoàn tiền hay không
-
Có thuộc diện được trả góp không lãi suất
-
Có bị tính lãi ngay từ ngày giao dịch
-
Giao dịch đó có được chấp nhận hay bị chặn (ví dụ các mã MCC liên quan đến cờ bạc, tiền ảo...)
Dù bạn sử dụng thẻ ở đâu, quyền gán mã MCC không thuộc về bạn mà do ngân hàng hoặc đơn vị thanh toán cấp cho bên bán.
2. Những hiểu lầm phổ biến về MCC
-
“Mua ở siêu thị thì chắc chắn được hoàn tiền” (giả sử thẻ của bạn được hoàn tiền cho giao dịch siêu thị)
→ Không hẳn. Nếu siêu thị dùng máy quẹt của đơn vị có MCC khác (ví dụ mã MCC 5399 - Hàng tổng hợp) thì bạn có thể không được tính hoàn tiền. -
“Thanh toán Grab luôn được tính là mã MCC 4121 (Taxi)”
→ Sai. Nếu bạn thanh toán qua ví điện tử trung gian, mã MCC có thể bị thay đổi. -
“Mua hàng online hệ thống sẽ tự nhận đúng mã MCC”
→ Không chắc. Tùy cổng thanh toán mà hệ thống có thể sẽ áp mã khác nhau. -
“Thanh toán học phí thì luôn miễn lãi” (giả sử thẻ của bạn được miễn lãi suất cho giao dịch học phí)
→ Sai. Nếu học phí có mã MCC 8220 - Trường cao đẳng, đại học, dạy nghề, nhưng thẻ của bạn không hỗ trợ miễn lãi suất đối với mã MCC này, bạn vẫn bị tính lãi.
Ngân hàng xác định loại giao dịch dựa trên mã MCC, không phải theo mục đích bạn sử dụng tại điểm bán.
3. Mã MCC ảnh hưởng như thế nào đến cách bạn sử dụng thẻ?
-
Thẻ của bạn chỉ được tích điểm / hoàn tiền cho các giao dịch có mã MCC nằm trong danh sách mã MCC được ưu đãi, mã khác = không được ưu đãi.
Ví dụ: Thẻ của bạn được ưu đãi hoàn tiền 5% cho giao dịch siêu thị với mã MCC 5411. Bạn mua hàng 1.000.000 đồng tại WinMart và quẹt máy POS của ngân hàng A với mã MCC 5411 → được hoàn 5% = 50.000 đồng. Tuy nhiên, nếu bạn thanh toán qua ví điện tử và ra mã MCC 5399 → hoàn 0 đồng. -
Bị từ chối giao dịch
Các mã MCC liên quan đến cờ bạc, sàn tiền mã hóa… thường bị ngân hàng chặn tự động.
Một số mã MCC phổ biến
-
5411 - Siêu thị
-
5812 - Nhà hàng
-
4121 - Taxi và xe limousine
-
5399 - Thương mại điện tử/Hàng tổng hợp
-
5311 - Cửa hàng bách hóa (Department Stores)
-
4900 - Dịch vụ tiện ích Điện, Gas, Dầu sưởi, Vệ sinh, Nước
-
4814 - Dịch vụ viễn thông bao gồm nhưng không giới hạn thuê bao trả trước và thuê bao cố định
-
4829 - Dịch vụ chuyển tiền
-
6012 - Dịch vụ tài chính
-
6300 - Bảo hiểm
-
8220 - Trường cao đẳng, đại học, dạy nghề
-
5912 - Nhà thuốc
-
7997 - Gói thành viên câu lạc bộ (thể thao, giải trí)
-
8999 - Dịch vụ chuyên môn khác
4. Có cách nào kiểm tra mã MCC trước giao dịch không?
Hiện nay, chưa có nguồn chính thức nào cho phép tra cứu mã MCC của điểm chấp nhận thẻ trước khi bạn thanh toán / quẹt thẻ. Tuy nhiên, bạn có thể:
-
Kiểm tra thông tin mã MCC được áp dụng ưu đãi cho thẻ của bạn trên website hoặc ứng dụng của ngân hàng phát hành - nhiều ngân hàng sẽ cung cấp danh sách mã MCC được ưu đãi kèm các điểm chấp nhận thanh toán, giúp bạn dễ dàng đối chiếu xem giao dịch của mình có thuộc nhóm được ưu đãi hay không.
-
Giao dịch thử với số tiền nhỏ trước, sau đó kiểm tra mã MCC trên thông báo, sao kê thẻ tín dụng → một số ngân hàng sẽ cho hiển thị mã MCC chi tiết của giao dịch.
-
Sử dụng các công cụ tìm kiếm mã MCC online để xem chi tiết thông tin mã MCC và lĩnh vực chi tiêu tương ứng
Bạn nên ghi chú lại mã MCC của từng địa điểm sau mỗi lần giao dịch, đặc biệt với các cửa hàng bạn thường xuyên sử dụng, để dễ dàng tận dụng ưu đãi ở các lần thanh toán sau.
Mã MCC có thể thay đổi nếu cửa hàng đổi máy quẹt thẻ, đổi ngân hàng thanh toán hoặc thay đổi phương thức thanh toán. Bạn nên kiểm tra định kỳ sau mỗi lần phát sinh các giao dịch với số tiền lớn.
Nếu bạn bị mất ưu đãi hoàn tiền do sai mã MCC dù giao dịch đó thuộc nhóm mã MCC được ưu đãi, hãy liên hệ với ngân hàng và yêu cầu tra soát giao dịch. Tuy nhiên, ngân hàng sẽ chỉ điều chỉnh lại mã MCC khi có lỗi hệ thống và thường sẽ không đổi mã thủ công cho từng giao dịch.
5. Mẹo dùng thẻ tín dụng với mã MCC
-
Đọc kỹ thể lệ chương trình ưu đãi của thẻ tín dụng: nhiều chương trình hoàn tiền ghi rõ chỉ áp dụng cho một số mã MCC nhất định. Bạn không nên chỉ dựa vào tên lĩnh vực chi tiêu hay loại cửa hàng, hãy chú ý đến mã MCC thực tế mà điểm chấp nhận thanh toán đang sử dụng. Nhiều trường hợp giao dịch tưởng hợp lệ nhưng vẫn không được hoàn tiền chỉ vì sai mã MCC.
-
Ưu tiên thanh toán trực tiếp bằng thẻ thay vì thanh toán qua ví điện tử hoặc cổng trung gian, để tăng khả năng giao dịch được gán đúng mã MCC và đủ điều kiện nhận ưu đãi.
-
Với các điểm bán bạn chưa từng giao dịch, hãy thanh toán thử bằng số tiền nhỏ và kiểm tra mã MCC thực tế trên thông báo, sao kê thẻ tín dụng, trước khi chi tiêu với số tiền lớn để tránh mất ưu đãi do sai mã MCC.
Mã MCC là yếu tố then chốt quyết định giao dịch của bạn có được tích điểm, hoàn tiền hay hưởng ưu đãi trả góp hay không. Khi bạn hiểu rõ cách hoạt động của mã MCC, bạn sẽ tận dụng được tối đa quyền lợi mà thẻ tín dụng mang lại và tránh mất ưu đãi chỉ vì không đúng mã MCC.
Xem thêm: Phân biệt ngày giao dịch và ngày hệ thống - hiểu đúng để không bỏ lỡ ưu đãi thẻ tín dụng