Bạn đã từng nghe nhiều người khen thẻ tín dụng tiện lợi, nhưng cũng không ít người cảnh báo rủi ro "nợ ngập đầu". Nếu bạn đang phân vân giữa hai luồng ý kiến này, bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ: thẻ tín dụng thực chất là gì, hoạt động ra sao và cách sử dụng thẻ hiệu quả - ngay cả khi bạn chưa từng sở hữu thẻ tín dụng.
1. Thẻ tín dụng là gì? Vì sao ai cũng nên biết?
Thẻ tín dụng (credit card) là một loại thẻ cho phép bạn chi tiêu trước, thanh toán sau. Ngân hàng sẽ cấp cho bạn một hạn mức tín dụng - trong giới hạn đó, bạn có thể sử dụng thẻ để thanh toán, ngay cả khi tài khoản ngân hàng của bạn không có sẵn tiền.
2. Thẻ tín dụng khác gì với thẻ ghi nợ?
-
Thẻ tín dụng (credit card): bạn sử dụng tiền do ngân hàng ứng trước, hoàn trả sau
-
Thẻ ghi nợ (debit card): bạn sử dụng tiền có sẵn trong tài khoản, hết tiền là ngưng giao dịch
So sánh hai loại thẻ: Thẻ ghi nợ được ví như ví tiền - có bao nhiêu xài bấy nhiêu. Thẻ tín dụng như khoản tạm ứng từ ngân hàng - bạn xài trước, trả lại sau.
3. Thẻ tín dụng hoạt động như thế nào?
-
Bạn sử dụng thẻ để thanh toán tại cửa hàng, mua hàng online hoặc trả góp
-
Hàng tháng, ngân hàng sẽ gửi bảng sao kê thẻ tổng hợp các giao dịch và số tiền bạn cần thanh toán
-
Nếu bạn thanh toán đầy đủ trước ngày đến hạn, bạn sẽ không bị tính lãi
Ví dụ: Bạn đặt vé máy bay trị giá 2 triệu đồng, thanh toán bằng thẻ tín dụng vào ngày 1/6, sao kê thẻ vào ngày 25/6. Nếu bạn thanh toán toàn bộ 2 triệu đồng trước ngày 10/7, bạn sẽ không phải chịu bất kỳ khoản lãi nào - đây là cách chi tiêu linh hoạt mà không tốn thêm chi phí.
4. Ba mốc thời gian cần ghi nhớ
-
Ngày sao kê: thời điểm ngân hàng tổng hợp các giao dịch thẻ trong kỳ
-
Ngày đến hạn thanh toán: thường là 15-25 ngày sau ngày sao kê (thời gian cụ thể tùy theo chính sách của từng loại thẻ) - bạn cần thanh toán trước ngày này để tránh bị tính lãi
-
Thời gian miễn lãi: tối đa 45-55 ngày (tính từ ngày giao dịch đến ngày đến hạn thanh toán)
5. Lợi ích khi sử dụng thẻ tín dụng đúng cách
-
Tiện lợi: không cần mang theo tiền mặt trong các giao dịch hàng ngày
-
Chi tiêu trước, trả tiền sau: xử lý các khoản chi tiêu phát sinh ngay cả khi chưa có sẵn tiền
-
Dự phòng tài chính: hữu ích khi có việc gấp như khám chữa bệnh, sửa xe hoặc sự cố bất ngờ
-
Ưu đãi: tích điểm, hoàn tiền, trả góp 0% tại nhiều đối tác
-
Xây dựng điểm tín dụng: thanh toán đúng hạn giúp nâng điểm tín dụng, thuận lợi khi cần vay vốn sau này
Thẻ tín dụng không phải là không có rủi ro, nhưng nếu bạn sử dụng thẻ đúng cách và kiểm soát chi tiêu hợp lý, đây sẽ là một công cụ tài chính linh hoạt, tiện lợi và đáng tin cậy.
Xem thêm: Miễn lãi 45–55 ngày là gì? Những điều cần nhớ để không bị dính lãi oan